Có những chuyện không phải mới nói dăm ba câu đã xong, mà cần có một quá trình tiêu hóa. Giang Âu không bộc lộ cảm xúc rõ ràng đã là thành công rực rỡ rồi, những chuyện khác cứ giao cho thời gian dần dần tháo gỡ. Đến cuối cùng Giang Thiêm cũng chẳng để cô và Thịnh Vọng chạm mặt, hắn gọi xe cho Giang Âu và đưa cô xuống tận dưới tầng.
Tài xế bước xuống mở cửa xe giúp, Giang Âu ngồi vào ghế sau vuốt phẳng quần áo, rốt cuộc cầm lòng không đặng ngoái đầu nhìn ra bên ngoài cửa sổ xe.
Cô nhìn thấy Giang Thiêm cất bước đi đến cổng đằng kia, lúc rẽ ra ngoài có một người bước xuống từ chiếc xe dừng ven đường.
Từ khoảng cách này, Giang Âu chỉ nhìn thấy chiếc áo khoác màu lam quen mắt và khăn quàng cổ màu đen dày quịch.
Đó là Thịnh Vọng thật ư? Giang Âu ngỡ ngàng nhìn cậu thanh niên trẻ tuổi ấy.
Cô vẫn nhớ điệu bộ bình tĩnh chững chạc lúc cậu nghe điện thoại, chắc đang nói chuyện công việc nhỉ, mang đến cho người ta cảm giác già dặn và giỏi giang, đứng giữa đám đông chắc chắn sẽ là người nổi bật nhất. Thế nhưng đó không phải Thịnh Vọng trong kí ức của cô. Nên cô chỉ vội vàng nhìn thoáng, ấy thế mà nhận nhầm cậu thành một người xa lạ có đôi nét giống Giang Thiêm.
“Nhiệt độ trong xe ổn rồi chứ?” Tài xế khởi động xe và hỏi.
Giang Âu giật mình hoàn hồn, lễ phép mà bồn chồn cười đáp: “Ổn rồi.”
Đương khi cô quay đầu lại, loáng thoáng trông thấy cậu thanh niên trẻ tuổi nằm nhoài trên cửa sổ xe mỉm cười vẫy vẫy tay. Giây phút đối mặt với Giang Thiêm, trên người cậu bỗng xuất hiện bóng dáng đã từng, vẫn như cậu thiếu niên hoạt bát hay cười hay quậy.
Giang Âu thẫn thờ nhìn chốc lát, cuối cùng quay đầu lại lặng lẽ cụp mắt.
*
Thịnh Vọng nhìn ra sau lưng Giang Thiêm mà không thấy bóng dáng quen thuộc khác, tuy nằm trong dự kiến nhưng vẫn hơi hơi mất mát.
Kết quả cậu về ghế lái đang định cài dây an toàn thì Giang Thiêm bỗng thò đầu ghé sát hôn lên môi cậu.
Thịnh Vọng đơ như cây cơ: “Kính chắn gió trong suốt đấy anh.”
Giang Thiêm ngồi thẳng người dậy và thắt dây an toàn: “Em để bụng à?”
“Đương nhiên em không để bụng rồi.” Thịnh Vọng sờ sờ khóe môi nói: “Em sợ anh tưởng kính chắn gió là kính một chiều.”
“…Anh bị thiểu năng chắc?”
Thịnh Vọng phì cười.
Quả tình cậu chẳng nghĩ thế, mà là thấy hành động của Giang Thiêm khác thường quá đỗi, lo cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con không được êm đẹp. Nhưng nghe được giọng điệu nhạo báng đầy quen thuộc của anh cậu thì cậu yên tâm rồi.
Hình như mọi thứ tốt hơn nhiều so với dự đoán.
“Cô tự về hả anh?” Cậu hỏi.
“Ừ, không tiện đường.” Giang Thiêm nói.
Thịnh Vọng cười thầm, nhủ bụng
dù tiện đường thì cô cũng chẳng thể ngồi xe của em. Anh cậu đó giờ thẳng như ruột ngựa, viện được cái cớ
không tiện đường quả là làm khó hắn quá.
Thịnh Vọng tự nhận mình khôi ngô tuấn tú biết quan tâm săn sóc nên đương nhiên sẽ không vạch trần. Cậu vừa tra cứu bản đồ điện tử vừa hỏi: “Giờ cô không ở trong viện điều dưỡng nữa hả anh?”
“Không ở đó lâu rồi, mà thuê nhà trọ gần chỗ ông cụ.”
“Nhà trọ ở đâu?”
Giang Thiêm liếc mắt nhìn cậu: “Anh dễ lừa thế à?”
Thịnh Vọng gác cùi chỏ lên vô lăng lặng lẽ gõ chữ, một lát sau giơ màn hình điện thoại lên bảo Giang Thiêm: “Anh không nói thì em không biết ở đâu chắc? Trước khi đến đây em đã hỏi anh Hi rồi.”
Cậu gõ tuyến đường trên màn hình nói: “Nhìn thấy chưa, cực, kỳ, tiện, đường.”
Giang Thiêm: “…”
Lúc ai đó mười mấy tuổi đầu rất thích nhìn người khác chọc phá hắn, giờ ăn gan hùm mật gấu rồi, bắt đầu tự tay chọc phá. Giang Thiêm trưng cái bản mặt lạnh tanh so găng với cậu chốc lát, bỗng thò tay nắm gáy cậu: “Muốn cười thì ra đằng sau mà cười, để anh lái xe.”
“Anh đừng có túm em như xách mèo thế.” Thịnh Vọng bủn rủn khắp người như bị chọc vào chỗ nhột, thực tế Giang Thiêm chọc vào đâu cũng là chỗ nhột hết: “Bỏ tay ra! Em không tin kĩ thuật lái xe được chủ nghĩa tư bản đào tạo của anh.”
“Cứ để anh thử xem.”
“Thử cái gì mà thử, trên xe có hai cái mạng đấy anh à.” Thịnh Vọng hẩy tay hắn ra, sang số – bật đèn – đạp phanh liền mạch như sợ bị đuổi ra ghế sau: “Em còn trẻ, có công việc có gia đình…”
Giang Thiêm tựa lưng ghế nghe người nào đó lảm nhảm, hắn nhớ lắm những câu chuyện không hồi kết, ồn ào suốt cả một ngày. Cảnh tượng tốt đẹp nhất hắn từng nghĩ đó là lắng nghe người ấy nói cả đời.
“…Tuy rằng em siêu siêu đẹp trai, nhưng anh không được hại em.” Người nào đó đoạn trước còn nghe tàm tạm, đến đoạn sau nói hưu nói vượn hết cả.
Giang Thiêm nhướng mày trong dải ánh sáng trên đường, rù rì nói: “Hôm qua lúc em cắn vai anh cũng chẳng nghe thấy em nói có gia đình.”
Thịnh Vọng
“À” lên, dừng nơi giao lộ. Chắc tại đèn đỏ hắt vào mà cậu đỏ bừng khắp mặt lẫn cổ, nhưng nét mặt vô cùng thản nhiên.
Cậu chớp mắt nhìn đằng trước, nói: “Đương nhiên là có rồi, lừa mẹ dối cha yêu sớm.
Anh nhà là một tiến sĩ du học nước ngoài về, cao to đẹp trai, hâm mộ không?”
“Hâm mộ ai?”
“Em này.”
Giang Thiêm lắc đầu: “Anh hâm mộ
anh nhà đó hơn.”
Thịnh Vọng híp mắt, mãi lâu sau mới sờ sờ vành tai.
Tuy cậu biết chuyện này từ lâu rồi nhưng mà vẫn muốn nói, anh cậu đúng là trong nóng ngoài lạnh…
*
Vài ngày cuối cùng trước tết Nguyên Đán, mọi người bận bịu bù đầu. Cao Thiên Dương và Ớt bé đã đặt vé từ lâu, hỏi Thịnh Vọng và Giang Thiêm mùng mấy về Giang Tô.
Thịnh Vọng trả lời: “Cậu đúng là toàn hỏi những chuyện không nên hỏi.”
Cao Thiên Dương ngẫm nghĩ, với Thịnh Vọng thì ở quê chỉ có căn nhà ông bà để lại với Thịnh Minh Dương thôi, hiện giờ người nào đó đang trong trạng thái comeout, trở về sợ làm bố ruột tức chết mất. Còn Giang Thiêm… Giang Âu vốn ở Bắc Kinh, Giang Tô ngoại trừ căn phòng cũ từng thuê ngoài cổng trường trung học trực thuộc thì cũng chẳng có gì hay.
Tình trạng của hai người họ đặc biệt, về hay không đều khó xử.
Cao Thiên Dương nói: “Hay hai người làm hẳn một chuyến du lịch đi, tìm chỗ nào ít người chơi hết bảy ngày tết là được!”
Mấy năm trước Giang Thiêm quen đi đây đi đó
ăn Tết, nghe vậy thì định tìm điểm đến và vé máy bay, kết quả bị Thịnh Vọng ngăn lại: “Anh kệ nó đi, tết nhất chỗ nào chả đông, hơn tỷ người cơ mà.”
Họ đắn đo vài ngày, cuối cùng vẫn đặt vé khứ hồi về Giang Tô.
Thứ nhất, nhóm chat lớp A bắt đầu bùng choáy vào dịp trước năm mới, hẹn nhau sau Tết đi thăm thầy cô. Thứ hai… trước ngày nghỉ 3 hôm, Thịnh Vọng đột nhiên nhận được điện thoại của Thịnh Minh Dương —-
Sau bữa cơm tối hôm Tết dương, giữa hai bố con luôn vấn vương lúng túng. Suốt một thời gian dài, Thịnh Minh Dương không chia sẻ bài viết dưỡng sinh cho cậu nữa, không đăng trạng thái, tự dưng im ắng. Chẳng biết là đang đấu tranh nội tâm hay chỉ đơn giản là chiến tranh lạnh.
Cuộc gọi này là cuộc gọi đầu tiên sau Tết dương, ngay khi nhận máy, hai người cùng im lặng. Cuối cùng Thịnh Minh Dương mở lời trước: “Tết Âm về nhé?”
Ông không nói
“về không”, mà dùng hẳn câu nửa khẳng định luôn. Đây là phong cách làm việc nhất quán của ông, dùng cách nom ôn hòa để che đậy mạnh mẽ bên trong. Nhưng không biết tại sao, lần này lại biến thành sự nhượng bộ trá hình.
Thịnh Vọng sững sờ, không đáp lời ngay. Suốt vài giây ấy, cậu nhạy bén phát hiện Thịnh Minh Dương hơi căng thẳng, người cha đó giờ mạnh mẽ của cậu thế mà lại căng thẳng trong lúc chờ cậu trả lời.
Cậu không vạch trần điều ấy, tỉnh táo nói: “Nếu cướp được vé thì con về, tết nhất cũng khó đặt khách sạn nữa.”
Trước khi nhận máy, thực ra cậu đã quyết định không về rồi. Bận rộn cả năm, tết Nguyên Đán được kề bên Giang Thiêm hưởng thụ thế giới hai người mới tuyệt làm sao, thích hơn nhìn đầu người nhiều.
Nhưng cậu không nói ra kế hoạch ban đầu, chỉ viện cớ khó cướp vé như một sự trốn tránh ngấm ngầm, đỡ cho người bên kia đau lòng.
Thịnh Minh Dương nghe xong bèn nói: “Đặt khách sạn làm gì? Trong nhà không có phòng hay sao mà phải ở khách sạn?”
Vừa dứt lời, Thịnh Vọng không trốn nổi nữa. Cậu ngần ngừ giây lát, bất đắc dĩ nói: “Con không về một mình đâu.”
Nói xong cậu im luôn.
Đầu dây bên kia lặng thinh chốc lát, Thịnh Minh Dương như bị ấn nút tắt tiếng, chẳng cần nhìn cũng biết ông gượng gạo đến đâu. Mãi lâu sau, ông mới ậm ờ cất lời: “Bố biết con không về một mình, trong nhà vẫn còn phòng trống đấy thôi.”
Lần này đến lượt Thịnh Vọng há hốc miệng.
Người thông minh nói chuyện với nhau thường không cần phải nói rõ ràng mà ai cũng hiểu. Thịnh Minh Dương rất thông minh, Thịnh Vọng con hơn cha, nhưng cậu cứ khăng khăng đòi làm kẻ ngốc.
Cậu mấp máy môi, ngước mắt nhìn Giang Thiêm ngồi đối diện bàn cơm, nghiêm túc hỏi Thịnh Minh Dương: “Bố, ý bố nói như ý con hiểu ư?”
Thịnh Minh Dương im bặt, không trả lời thẳng mà bảo: “Bố vừa lướt vòng bạn bè thấy lão Từ bảo bạn học cùng lớp các con định về thăm trường.”
Tim Thịnh Vọng đập mạnh, chờ ông nói tiếp.
“Hai đứa cũng phải về chứ.” Thịnh Minh Dương nói.
Thịnh Vọng đáp
“Dạ”.
Thịnh Minh Dương nói tiếp: “Năm nay bố bận lắm, chỉ ở nhà ngày 30 với mùng 1 thôi, ăn hai bữa cơm rồi sáng mùng 2 đi ngay.”
Thịnh Vọng lại đáp
“Dạ”, giọng hơi nghèn nghẹn nhưng không lộ rõ lắm: “Lại phải tiệc tùng liên miên ạ?”
“Năm mới mà, bắt buộc phải đi đây đi đó thôi.”
“Trước khi uống rượu nhớ nhìn chân bố đấy.” Thịnh Vọng nói.
Chẳng biết tại sao Thịnh Minh Dương lại im lặng, hồi lâu sau mới bảo: “Giờ mới mua thì có tranh được vé không?”
Thịnh Vọng nói: “Vé máy bay dễ mua hơn ạ.”
Thịnh Minh Dương đáp: “Được.”
Chỉ một chữ thôi, gánh nặng bao năm qua bỗng được tháo dỡ hơn nửa. Thấy cơ bắp bả vai dần dần thả lỏng, Thịnh Vọng mới biết thì ra mình căng cứng từ nãy tới giờ.
“Quyết định về rồi thì để bố bảo thím Tôn dọn dẹp phòng ốc.” Thịnh Minh Dương nói.
Thịnh Vọng ngẫm nghĩ rồi bảo: “Thế bố bảo thím dọn độc phòng con thôi cho bớt việc, phòng bên cạnh cứ để đó, không cần 2 phòng đâu.”
Thịnh Minh Dương suy tư chốc lát, phát hiện chả cần phải nghĩ nhiều làm gì, bèn thẳng thừng cúp điện thoại luôn.
Thịnh Vọng chỉ chỉ điện thoại cáo trạng với Giang Thiêm: “Nhìn thấy chưa, cúp máy của em, bơ em rồi.”
Giang Thiêm nhớ tới những gì cậu vừa nói mà cạn lời: “Em cứ phải chọc tức chú làm gì?”
“Ngày xưa vẫn chọc suốt.” Thịnh Vọng nhớ lại những cuộc xàm xí nói với Thịnh Minh Dương hồi nhỏ, tưởng như mới ngày hôm qua mà đã rất nhiều, rất nhiều năm rồi.
Cậu nhón quả nho xanh cuối cùng trong bát thủy tinh bỏ vào miệng, đoạn bưng cái bát chỉ còn cọng dây leo trơ trụi vào bếp, lúc đi ngang qua Giang Thiêm bèn thò đầu thơm thơm khóe môi hắn, gật gù đắc ý bảo: “Đồng chí già nhiều tuổi rồi trêu cái tức ngay, hồi xưa toàn là em cúp máy bố thôi đấy.”