Hắn đương nhiên biết…..
Đó chẳng qua chỉ là si mê chiếu vào hiện thực, là tâm ma mà thôi.
Văn Thời lùi về phía sau, rút cổ tay ra khỏi bàn tay đối phương.
Đây không phải là cảnh trong mơ không thể kiểm soát của tuổi mười chín đôi mươi, càng kiềm chế lại càng mê loạn phóng đãng hơn. Hắn hiện tại vô cùng tỉnh táo, tự biết cái gì là thật cái gì là giả.
Dây rối của hắn chỉ cần phóng ra toàn bộ lực công kích là có thể phá tan ảo ảnh trước mắt này, nhưng hắn vẫn do dự trong chốc lát.
Chính sự do dự này đã khiến Tạ Vấn đứng bên cạnh lọt vào giữa trận gió lớn do dây rối dấy lên, nhưng anh ta lại lành lặn không hề hấn gì.
Nhìn xem, cho dù là thật hay giả thì ở trước mặt người này, những thứ hắn dấy lên cũng mãi chỉ là hư ảo mà thôi.
….
Văn Thời dứt khoát nhắm mắt lại, khẽ rụt ngón tay về.
Hơi thở quẩn quanh trên dây rối và cổ trở nên mờ nhạt, cảm giác tồn tại của Tạ Vấn cũng không còn mãnh liệt như trước. Cuối cùng trở nên hư ảo giống như tất cả mọi thứ đang dần tan biến.
Hắn lại quấn chặt dây rối một lần nữa, sau đó siết căng mười ngón.
Tiếng gió đột nhiên dữ dội, phát ra âm thanh bén nhọn, vô số lưỡi dao sắc lạnh lẽo vô hình cắt ngang luồng gió.
Hắn vẫn nhắm hai mắt, nhưng lại cảm nhận được những thứ xung quanh mình đang dần biến mất. Hắn nhấc chân bước về phía trước mà không bị ai cản trở, chỉ có từng dấu vết lướt qua bên người hắn tựa như làn sương sớm tinh mơ….
Quả nhiên đều là giả.
Tiếng động của Hạ Tiều ở sát vách cuối cùng cũng truyền tới, khóc lóc inh ỏi.
Văn Thời kéo sợi dây rối, mở bừng mắt, cánh tay vươn tới cửa chạm vào một thứ ấm áp, đó là vòng hông của ai đó, chợt căng cứng ngay khi bị sờ nhầm, nhiệt độ cơ thể tỏa ra cách một lớp áo sơ mi.
Văn Thời ngước mắt trông thấy người vừa xuất hiện trong mộng cảnh.
Vài giây ngắn ngủi ấy, hắn giật mình đứng sững, suýt nữa không biết bản thân rốt cuộc đã thoát ra khỏi tâm ma hay chưa.
Tạ Vấn đứng bên cạnh cửa. Ánh mắt anh ta dừng trên ngón tay đặt bên hông mình, gương mặt hơi cúi xuống, dường như cũng đang sững sờ.
Mãi đến khi sát vách lại có tiếng va đập, bọn họ mới hoàn hồn.
Lần này là thật.
Văn Thời đột nhiên rụt tay lại. Dây rối trắng như tuyết quấn giữa ngón tay hắn, sợi dài sợi ngắn buông thõng.
“Anh sang đây từ bao giờ?” Thật ra hắn muốn hỏi “Sao anh lại ở đây.”, nhưng lời ra khỏi miệng lại thành như thế.
Hắn hơi nhíu mày, vô thức quay đầu nhìn thoáng qua, xác nhận ảo cảnh ban nãy đã biến mất hoàn toàn mới nhìn về phía Tạ Vấn.
Mà Tạ Vấn cũng vừa rời mắt khỏi nơi đó.
Anh dừng một chút khi liếc ngang qua cổ Văn Thời, sau đó quay đi: “Vừa mới thôi.”
“Tôi nghe thấy bên này có tiếng động.” Anh chỉ vào đây và phía phòng Hạ Tiều, bởi vì quá tự nhiên nên khiến người ta khó phân biệt nổi ánh mắt vừa dời đi của anh là né tránh theo bản năng hay là chỉ đơn thuần muốn nhìn về hướng đó mà thôi.
“Tôi qua xem một chút.” Văn Thời nghiêng người đi ra khỏi phòng, nhanh chân sang phòng của Hạ Tiều.
Tạ Vấn bật đèn hành lang kiểu cũ, cửa sổ thủy tinh phản chiếu ánh sáng. Bóng dáng Văn Thời hiện rõ ràng trên đó.
Gương mặt hắn vẫn trắng trẻo bình tĩnh như mọi khi, viền môi thẳng tắp lộ ra mấy phần lạnh lùng. Nhưng do ảnh hưởng của dây rối trong ảo cảnh, vết ửng đỏ trên cổ hắn còn chưa phai nhạt, vệt đỏ nhàn nhạt được tôn lên bởi màu da.
***
Hạ Tiều chợt nhìn thấy anh mình, phản ứng còn dữ dội hơn cả nhìn thấy quỷ, cậu lăn lông lốc cho tới khi lưng chạm vào tường hành lang, không lùi lại được nữa mới khóc lóc nói: “Anh ơi, cầu xin anh đừng hù dọa em, em mắc đái quá huhu, em nói thật đấy.”
“….”
Văn Thời nửa ngồi nửa quỳ, không nói gì chỉ nhìn con tôm nhỏ đang run rẩy, do dự xem đánh tỉnh nhanh hơn hay là hắt nước có hiệu quả hơn.
“Sao anh cậu lại hù dọa cậu, nói tôi nghe xem nào?” Tạ Vấn cũng đi sang, khom lưng hỏi.
Hạ Tiều nhìn thấy Tạ Vấn, lại nghe thấy câu này, cuối cùng lưỡng lự buông tay xuống.
Cái thằng ngốc này còn dè dặt vươn tay chọc chọc Văn Thời mấy cái. Cũng muốn chọc Tạ Vấn nhưng giữa chừng thấy sợ nên rụt tay về tự véo một phát vào tay mình.
Cậu kêu áu áu rồi mới hỏi: “Các anh là thật ạ?”
“Không thì sao?” Văn Thời nói.
“Ai ui mẹ ơi.” Hạ Tiều há mồm bắt đầu gào khóc, “Cuối cùng cũng là thật, dọa chết em rồi, anh ơi anh dọa chết em rồi!”
“Cậu trông thấy thứ gì rồi?” Văn Thời nhíu mày hỏi.
“Em thấy đầu anh rơi mất, em còn thò tay đỡ nữa, toàn là máu thôi.” Hạ Tiều nghẹn ngào nức nở nói: “Còn thấy một cái đầm lầy, anh chẳng nói chẳng rằng nhảy thẳng xuống dưới, sau đó cả người máu me be bét bò tới chỗ em. Còn thấy giường của em biến thành quan tài, có người đập bình bịch ở bên trong, sau đó ván giường lật lên, anh ngồi dậy từ bên trong.”
Văn Thời: “….”
Cậu kể một tràng, tổng kết chính là anh cậu “chết đi sống lại” bằng rất nhiều cách, anh cậu nghe xong mặt không cảm xúc, khí lạnh tuôn ra ồ ạt.
“Rốt cuộc bình thường cậu hay nghĩ gì trong đầu thế?” Văn Thời hỏi.
Hạ Tiều tủi thân nói: “Em không nghĩ thì vẫn sẽ gặp ác mộng thôi.”
“Cho nên đó là gì thế ạ? Vì sao em lại nhìn thấy mấy thứ ấy?” Hạ Tiều hỏi.
Văn Thời: “Tâm ma.”
Hạ Tiều càng hoảng sợ hơn, vội vàng xua tay nói: “Nhưng mà từ trước đến nay em đâu có mong anh xảy ra chuyện đâu.”
Văn Thời ngừng một chút mới nói: “Không phải ý đó.”
Tạ Vấn cũng hờ hững giải thích: “Có rất nhiều tâm ma, có thể là chuyện sâu trong lòng mà cậu không thể buông xuôi, chuyện bản thân sợ nhất hoặc là muốn nhưng không thể đạt được.”
Anh im lặng trong chốc lát rồi bổ sung thêm: “Tham hận si dục đều có đủ.”
Hạ Tiều nghĩ ngợi nói: “Nó không phải rất giống lồng sao?”
Tạ Vấn nói: “Giống một chút, về mặt bản chất thì không khác nhau lắm.”
Hạ Tiều toát mồ hôi lạnh, nghĩ thôi đã thấy sợ. Cậu kéo áo phẩy phẩy gió nói: “Ồ, vậy chắc là em sợ anh mình sẽ gặp nguy hiểm trong lúc vào lồng và thoát khỏi lồng nhỉ….nhưng mà sao mới ngủ một giấc đã gặp trúng tâm ma rồi? Tâm ma dễ gặp như thế ạ?”
“Không dễ lắm.” Tạ Vấn nói.
Nhất là con rối như Hạ Tiều, vậy thì càng không dễ dàng.
“Liệu có phải do tác dụng của đĩa sủi cảo và bát canh kia không?” Hạ Tiều nói.
“Có thể.” Tạ Vấn không phủ định, nhưng lại nói: “Cũng có thể là bản thân chiếc lồng này có vấn đề.”
Trò chuyện được mấy câu, Hạ Tiều đã thấy bình tĩnh hơn. Cậu gật nhẹ đầu, sau đó lo lắng hỏi: “Vậy các anh thì sao? Vừa nãy cũng gặp tâm ma hả?”
Lời này vừa nói ra, hành lang chìm vào trong sự tĩnh lặng.
Văn Thời đứng thẳng người dậy, ngón tay buông thõng bẻ khớp kêu răng rắc. Hắn thề thốt phủ nhận ngay dưới mí mắt của một vị là tâm ma nào đó: “Không hề.”
Hạ Tiều “ồ” một tiếng rồi lầm bầm: “Do em cùi bắp quá đây mà.”
Cũng may lão Mao lững thững tới chậm nhưng lại an ủi cậu phần nào.
Hạ Tiều hỏi: “Chú Mao, ban nãy chú gặp tâm ma không ạ?”
Lão Mao liếc Tạ Vấn một cái rồi gật đầu nói: “Ờ, gặp được.”
“Đáng sợ không ạ?” Hạ Tiều hỏi.
Lão Mao nói: “Khá phức tạp.”
Mặc dù câu nói này hơi qua loa có lệ, nhưng tâm trạng của Hạ Tiều tốt hơn rất nhiều.
Cả bốn người đều bị đánh thức, bọn họ dứt khoát không ngủ nữa mà đi xuống cầu thang và dạo trong nhà hai vòng nhưng không thấy Lục Văn Quyên đâu.
Trên tầng là bốn gian phòng, tầng dưới bên phải là phòng có tivi, ở giữa là phòng khách có bàn ăn cơm, bên trái là phòng chứa đồ, phía sau nối liền với nhà bếp, hoàn toàn không có chỗ ngủ dành cho Lục Văn Quyên.
Xét thấy tivi trước đó có hiện ẩn dụ, Văn Thời lại sai Hạ Tiều mở tivi lên.
Kênh 1 còn đang hát hí khúc í a í a, nhân vật mặc áo ống tay rộng trong đó đang diễn một vở kịch không biết tên. Hạ Tiều nhanh chóng chuyển sang kênh 2, nó lại đang chiếu ‘phim truyền hình’ đúng như dự đoán.
Lần này là một nhóm người đứng xung quanh một đống củi dưới chân một ngọn núi. Bọn họ lải nhải vài câu rồi châm lửa đốt đống củi.
Có một người đàn ông đeo mặt nạ mặc áo choàng lớn màu đỏ đứng ở vị trí thủ lĩnh, ông ta giơ tay lên, mấy người khác lập tức bị đẩy vào bên trong biển lửa.
“Họ đang làm gì đây?” Hạ Tiều hoảng sợ hỏi.
Văn Thời đang sững sờ nhìn tên thủ lĩnh đeo mặt nạ mặc áo choàng đỏ kia, hắn cứ cảm thấy hình tượng này có hơi tương tự với một người. Tất nhiên về mặt khí chất thì kém xa.
Đương nhiên không ai trả lời được câu hỏi của Hạ Tiều, vì chẳng ai biết đám người đó đang làm gì. Lần này bọn họ không vội vàng tắt tivi mà kiên nhẫn tiếp tục ngồi xem.
Ngờ đâu chính chiếc tivi lại lóe lên rồi nhiễu sóng trắng xóa. Một lúc sau mới bình thường trở lại, trong màn hình vẫn là đám người quây thành một vòng tròn dưới chân núi, trình diễn lại cảnh tượng ban nãy một lần nữa.
“Đến
cái thứ này cũng thừa nước đục thả câu thế?” lão Mao mất hứng nói.
Văn Thời không muốn xem lại cảnh phim đó nữa, hắn đứng dậy khỏi ghế sô pha nói: “Tôi đi ra ngoài một chuyến.”
Tạ Vấn nhìn về phía hắn: “Đi đâu?”
“Nhà trưởng thôn.” Văn Thời trả lời.
Hắn khá có hứng thú với lão Ngô đưa sủi cảo kia, muốn tranh thủ trời tối qua ngó nghiêng một chút. Ai ngờ vừa mới mở cửa lớn nhà Lục Văn Quyên thì đã thấy ngoài cửa là một căn phòng giống y đúc với bên trong nhà, ngay cả nếp gấp trên miếng giẻ lau treo bên cạnh mép bàn ăn cũng không khác gì.
Điều quỷ quái hơn chính là bên kia cũng có hắn đang vươn tay mở cửa.
Không biết một trận gió từ đâu tới thổi vào chiếc lá khô trong góc phòng ra tới cửa. Phía đối diện cũng có một chiếc lá khô bay về phía Văn Thời.
Hai chiếc lá khô va vào nhau rồi cùng biến mất.
Hạ Tiều vừa khéo trông thấy cảnh này, sợ hãi nói không nên lời. Mãi nửa ngày sau mới xoa cánh tay nổi da gà hỏi: “Chuyện gì thế này?”
“Chính là như cậu thấy đó.” Văn Thời nói.
“Vậy nếu em ra khỏi cửa thì sao?” Hạ Tiều hỏi.
“Thì sẽ cùng biến mất với ‘cậu’ ở phía đối diện giống như chiếc lá cây vừa rồi ấy.” Giọng nói của Tạ Vấn truyền tới từ sau lưng cậu, tiếp đó nói với người ở cửa: “Đóng cửa lại quay về đây.”
Khoảnh khắc tiếng nói vừa dứt, Văn Thời đã đóng cửa và khóa lại.
Hạ Tiều: “Vậy nên…ngoài cửa là thứ gì thế ạ?”
Văn Thời quay người trả lời: “Là khu vực chết.”
Bọn họ lại nhớ tới lời nói của Lục Văn Quyên lúc trước: “Mưa rồi, mấy cậu không đi được đâu.”
Khu vực chết này xuất hiện mà chẳng có dấu hiệu báo trước, nhưng thật sự khiến bọn họ an phận một đêm.
Sáng sớm ngày thứ hai, lúc Văn Thời xuống tầng trông thấy Lục Văn Quyên biến mất một đêm đang đi ra khỏi phòng bếp, chỉ ra bên ngoài bảo: “Mưa tạnh rồi, trong thôn sắp cử hành Đại Mộc, các cậu sửa soạn một chút rồi đi với tôi.”
Cô ta chải tóc qua loa bằng tay, tiếp đó như chợt nghĩ ra chuyện gì bèn hỏi: “À phải rồi, tối qua ngủ ngon không?”
Văn Thời: “…Ngủ ngon.”
Lục Văn Quyên gật nhẹ đầu, lại cẩn thận chải tóc của mình.
***
Trong thôn có một khoảng đất trống được bao quanh bởi rừng cây, rất nhiều con đường nhỏ đều có thể thông tới nơi này. Trong rừng cây sương mù mờ mịt không thể nhìn thấy gì ở đằng xa.
Lúc này đã có một đám người tụ tập trên mảnh đất trống, bọn họ đã đi vòng quanh rất nhiều lần.
Tám thôn dân, bốn nam bốn nữ chia nhau đứng mỗi người một góc, ở giữa bọn họ chất một đống củi khô to đùng. Còn có một người đeo mặt nạ mặc áo choàng đỏ đứng ngay trước mặt mọi người như thủ lĩnh.
Tầm vài giây sau, người dẫn đầu đã tự vén mặt nạ lên, lau mồ hôi trên mặt và hỏi những người khác: “Đang chờ ai vậy?”
Đứng bên cạnh ông ta là một người đàn ông trung niên có gương mặt tròn, búi tóc kiểu cũ, chính là lão Ngô trưởng thôn. Lão Ngô cầm một quyển sách và một cây bút, vừa vẽ phác họa vừa trả lời gã: “Chờ người cần Đại Mộc.”
Thủ lĩnh nói: “Có những ai?”
Lão Ngô chỉ một hàng tên trên quyển sách.
Người thủ lĩnh nhìn kỹ lẩm nhẩm: “Chó hoang? Trứng ngốc? Cục đá? Ớ…”
“Tên kiểu gì thế này?” Thủ lĩnh hỏi.
Lão Ngô giải thích: “Tên xấu cho dễ nuôi.”
“Ồ.” Tên thủ lĩnh gật nhẹ đầu, sau đó lại vò đầu bứt tai nói: “Tôi nhất định phải khoác cái tấm ga giường màu đỏ này à? Nóng lắm.”
Lão Ngô trưng vẻ mặt nghiêm túc: “Đấy là áo thần.”
Thủ lĩnh: “….Rồi rồi, ông bảo nó là gì thì nó chính là cái đó, thôn mấy người đúng là kỳ quái.”
Lão Ngô vẽ vời trên cuốn sổ sau đó hỏi người thủ lĩnh: “À phải rồi, ngài tên là gì?”
Tên thủ lĩnh vô thức trả lời: “Chu Húc.”
Nói xong gã lại nhớ ra không thể khai bừa tên tuổi, thế là cố tình kéo dài âm tiết thêm một chữ “Ân” ở đằng sau.
Lão Ngô xác nhận lại: Chu Húc Ân?”
“Đúng rồi.”
Cái tên khoác ga giường màu đỏ này chẳng phải ai khác mà chính là Chu Húc. Nó đuổi theo cái xe lợn ở Sơn Đông với Trương Lam và Trương Nhã Lâm, sau khi tức giận một hồi mới đổi hướng sang Thiên Tân.
Trương Lam tung ra thêm một lá bùa truy lùng, cuối cùng kết luận rằng đám đồ đệ nhà họ Thẩm và Tạ Vấn đã vào lồng cùng nhau. Thế là hai chị em lại hì hục tìm cửa lồng.
Kết quả không biết là do cái lồng này hiếm gặp hay là do hai người bọn họ run tay, lúc vào lồng thì ba người bọn họ không cẩn thận bị tách ra.
Chu Húc lần mò vào thôn và chọn gõ cửa một ngôi nhà gần đó, vừa khéo chính là nhà lão Ngô trưởng thôn.
Hình như tinh thần của lão Ngô có vấn đề, nói chuyện cứ lải nhải, vừa trông thấy Chu Húc liền bảo nó có thần tướng. Còn bảo trong làng sắp cử hành lễ Đại Mộc nên cần một người có thể kết nối với thần linh, đóng giả thành người chủ trì.
Chu Húc tự phiên dịch cho bản thân một chút, cho rằng trong thôn đang muốn gọi thần linh nhưng thiếu mất một linh vật, vừa lúc bắt được nó.
Thế là sáng sớm ngày hôm nay nó bị lão Ngô quấn ga giường màu đỏ, đeo mặt nạ rồi dẫn tới đây.
Chu Húc lau mồ hôi xong lại hỏi lão Ngô: “Sau khi mấy người cần Đại Mộc tới thì sao? Tôi phải làm gì?”
Lão Ngô nói: “Cậu giơ cây cờ phướn này lên rồi nói: Khởi lễ, có thể bắt đầu rồi.”
“Chỉ thế thôi?” Chu Húc hỏi.
Lão Ngô gật nhẹ đầu, chỉ vào đống củi lớn kia nói: “Chỉ thế thôi, sau đó những người kia sẽ đi vào đây.”
Ông ta dứt lời thì ra hiệu cho tám người trai gái đó.
Tám người kia quay đầu châm tám bó đuốc ném vào trong đống củi, lửa dần cháy bùng lên.
Chu Húc: “….”
Nó quay đầu hỏi lão Ngô: “Ông nói lại lần nữa xem nào, nghi thức này gọi là gì cơ?”
Lão Ngô: “Đại Mộc.”
Chu Húc: “Ông chắc chắn là Đại Mộc chứ không phải Đại Táng à???”
Lão Ngô đang định trả lời nó thì nghe thấy bên ngoài xôn xao một trận, tiếp đó đám người tránh ra một lối. Sáu người lần lượt đi tới từ đầu bên kia.
Lão Ngô liếc mắt nhìn rồi vạch một nét lớn trên cuốn sổ, khoanh tròn tên xấu của đám người kia, nói với Chu Húc: “Người tới rồi, chuẩn bị bắt đầu buổi lễ đi.”
Chu Húc giơ cờ phướn trong tay, sau đó quay đầu nhìn…
Trông thấy Văn Thời, Tạ Vấn, Trương Lam, Trương Nhã Lâm, lão Mao, Hạ Tiều.
Chu Húc bẻ cái cổ kêu răng rắc.
Lão Ngô thúc giục: “Hô khởi lễ đi, có thể bắt đầu rồi.”
Bắt đầu cái tiên sư bố nhà ông.
Giọng Chu Húc ồm ồm sau lớp mặt nạ: “Trong số sáu người này thì có ba người ông thiêu không nổi, tôi cũng thiêu không nổi. Hay là ông cứ thiêu tôi luôn đi.”
Lão Ngô: “….”