Thực ra tính toán của Ngôn Thạch Sinh cũng không phức tạp. Mộ Vãn Diêu nói với chàng rằng nếu không có người quan tâm thì sợ là chàng cũng chẳng thể lấy được danh ngạch trong kỳ thi châu.
Ngôn Thạch Sinh không nói cho Mộ Vãn Diêu biết điều này chàng đã sớm hiểu, chẳng cần người khác nói. Chàng đọc sách nhiều năm như thế, sớm đã biết khoa cử ở triều đại này luôn coi trọng thơ phú, mà đó lại là phần chàng làm tệ nhất. Lấy thứ mình tệ nhất ra để đánh cược trong thi cử thì cơ hồ chẳng bao giờ có cơ hội đỗ đạt.
Vì thế con đường của chàng và thiếu niên thiên tài Lưu Văn Cát đi mới không giống nhau. Lưu Văn Cát có thể dựa vào tài hoa để tiến đến Trường An còn Ngôn Thạch Sinh lại không thể không dùng chút ít thủ đoạn khác…… Tỷ như trở thành ân nhân cứu mạng của Đan Dương công chúa.
Chàng tự mình biểu diễn màn nhai Bạch Ngưu Trà có thể bẻ gãy tiền đồng là mưu mô, thử ra thân phận công chúa của Mộ Vãn Diêu là mưu mô, vẽ hình cây trà cho công chúa chứ không mang nàng ấy đi vào rừng tìm cũng là mưu mô…… Chàng đánh cuộc công chúa muốn có được cây trà kia và mang nó đi.
Ngôn Thạch Sinh biết vùng đất xung quanh chỗ cây trà này sinh trưởng có ổ rắn và có cả cỏ quỷ. Có đám hộ vệ của công chúa đi cùng nên Ngôn Thạch Sinh không cảm thấy công chúa sẽ có nguy hiểm tới tính mệnh. Nhưng dưới tác dụng của cỏ quỷ bọn họ sẽ lạc đường vài ngày là chuyện có khả năng.
Mà nhất định sẽ có người phát hiện công chúa mất tích sau đó yêu cầu chàng đi hỗ trợ tìm công chúa. Một khi đã trở thành ân nhân cứu mạng của công chúa thì cho dù nàng ấy không nhắc tới chàng, Ngôn Thạch Sinh tin tưởng đám quan viên lớn nhỏ của Lĩnh Nam sẽ vì nịnh bợ công chúa mà cho chàng một danh ngạch đi Trường An.
Bởi vì năm nay châu khảo đã qua, công chúa đi vào Lĩnh Nam lại giấu kín tin tức không truyền ra ngoài nên Ngôn Thạch Sinh tính danh ngạch năm nay sẽ là của Lưu Văn Cát, còn sang năm sẽ là của chàng. Chàng cho Lưu Văn Cát cơ hội thi triển tài hoa năm nay, hy vọng hắn có thể tận dụng.
Đây chính là âm mưu đường hoàng. Bởi vì muốn đi tìm Bạch Ngưu Trà hay không, và có phải tự mình đi hay không…… đó đều là quyết định của mình Mộ Vãn Diêu. Ngôn Thạch Sinh không có khả năng buộc nàng đi tìm cây trà hoặc buộc nàng bị lạc đường. Loại âm mưu đường hoàng này cho dù có bị người ta phát hiện thì cũng chẳng thể trách Ngôn Thạch Sinh chàng được.
Đáng tiếc là Ngôn Thạch Sinh tính kỹ hết mọi chuyện lại không tính đến việc Mộ Vãn Diêu sẽ té xỉu. Công chúa té xỉu là chuyện ngoài dự đoán của chàng, cũng khiến chàng không biết phải làm sao —— Lĩnh Nam nhiều chướng khí, nó gọi là “Sương mù như sương khói”.
Đan Dương công chúa không bị rắn cắn nhưng lại bị chướng khí kia làm cho hôn mê. Đã thế lại chỉ có mình nàng bị như thế, đám thị nữ và hộ vệ đi theo đều không sao.
Vậy chỉ có thể do…… thân thể công chúa yếu hơn người bình thường.
Tình huống ngoài ý muốn này khiến Ngôn Thạch Sinh vừa hổ thẹn vừa ảo não.
—
Bởi vì cảm thấy mình không đoán trước được tình huống này mới hại công chúa ngã bệnh nên đợi công chúa được đưa tới Ngôn gia tĩnh dưỡng, Ngôn Thạch Sinh tự mình đi nấu thuốc cho công chúa.
Nơi hoang vắng như Lĩnh Nam rất khó tìm được đại phu giỏi. Sau khi công chúa bị bệnh, đám hộ vệ ra roi thúc ngựa tới Quảng Châu tìm danh y. May mắn đây chỉ là độc chướng nên dù đại phu còn chưa tới thì những người địa phương như Ngôn gia cũng có thuốc giúp người bệnh điều dưỡng thân thể.
Vậy là đám quan binh được Nam Hải huyện lệnh phái tới nhìn công chúa lần nữa trở lại Ngôn gia tĩnh dưỡng. Bọn họ cũng chạy về Nam Hải báo cáo tình hình công tác với huyện lệnh.
Ngôn gia hiện tại đã biết thân phận thật sự của Mộ Vãn Diêu nên nơm nớp lo sợ, vội dọn phòng ốc cho công chúa dùng. Lúc này bọn họ không chỉ nhường căn phòng lớn nhất mà vị thị nữ Xuân Hoa kia cũng được ở riêng một phòng phía sau phòng của công chúa.
Rốt cuộc Xuân Hoa cũng bị rắn cắn. Nếu nói thẳng thì tình huống của nàng ta so với công chúa gian nan hơn nhiều.
Buổi chiều hôm đó Ngôn Thạch Sinh ngồi xổm dưới hành lang quạt bếp nấu thuốc. Chàng bị khói ho sặc sụa nhưng vẫn kiên trì sắc thuốc cho công chúa. Đám thị nữ ở bên trong nhìn thấy Ngôn Nhị Lang vất vả thì trong lòng cảm thán chàng đúng là người tốt.
Đương nhiên bọn thị nữ cũng lo lắng sốt ruột vì công chúa cứ mê man chưa tỉnh. Bọn họ đang phát sầu thì thấy Ngôn Thạch Sinh đã bưng thuốc từ ngoài vào. Chàng ho khan nói: “Bưng thuốc này qua cho điện hạ uống đi. Ngày thường chúng ta đều uống loại thuốc này để đối phó với chướng độc. Nếu hiệu quả tốt thì có lẽ không cần chờ đại phu tới điện hạ đã tỉnh.”
Bọn thị nữ đón lấy thuốc từ trong tay chàng, miệng liên tục cảm tạ: “Lang quân bận rộn từ tối qua đến giờ, một đêm này cũng chưa ngủ. Ngươi mau đi nghỉ ngơi đi.”
Ngôn Thạch Sinh ôn nhu nói: “Điện hạ uống thuốc rồi ta sẽ đi.”
Bọn thị nữ gật đầu, bưng chén thuốc vào đút cho Mộ Vãn Diêu. Ngôn Thạch Sinh chần chờ một chút, cũng không lảng tránh mà đi theo các nàng vào trong phòng, hiển nhiên muốn nhìn xem tình huống là thế nào. Bọn thị nữ chỉ quay đầu lại kỳ quái mà liếc chàng một cái, nhưng nghĩ đến chàng chỉ muốn xem tình hình công chúa nên không ngăn cản.
Rốt cuộc chàng là lang quân hiền lành ôn nhu như thế cơ mà? Có ai nỡ quát mắng đuổi chàng ra khỏi phòng chứ?
Bọn thị nữ ngồi ở bên mép giường của công chúa, muốn đút thuốc cho nàng. Ngôn Thạch Sinh cách mành trướng nhìn lại thì thấy các nàng thấp giọng nói chuyện nhưng từng người thử mà vẫn chẳng ai đút được thuốc cho công chúa. Ngôn Thạch Sinh ở phía sau nhìn thấy thế thì ánh mắt lập lòe, nhưng chàng ngại mình là người ngoài, lại là nam nhân, có thể đứng ở đây đã không dễ dàng vì thế cũng chẳng dám nói gì.
Rốt cuộc bọn thị nữ bưng chén thuốc, vén rèm đi ra buồn bã nói: “Lang quân, không được, công chúa không chịu uống thuốc.”
Ngôn Thạch Sinh nói: “Có thể để tiểu sinh thử một lần không?”
Một thị nữ chần chừ, nhưng rồi lại cảm thấy Ngôn Thạch Sinh hẳn là có biện pháp vì thế đưa chén thuốc cho chàng. Nhưng một thị nữ khác thương lượng xong lại nói: “Không được,