Đối với tư tình của Ngôn Thượng Lưu tướng công chỉ đánh giá bằng hai chữ “Lớn mật” sau đó không nói tốt, cũng không nói không tốt.
Rốt cuộc ngay từ đầu Ngôn Thượng lọt vào mắt ông cũng vì chàng dám giết Trịnh thị gia chủ trước mặt mọi người. Trong lúc tam đường hội thẩm chàng cũng mạnh mẽ bác bỏ các phương, để lại ấn tượng sâu sắc với ông. Trước nay Lưu tướng công đều biết đứa học trò nhỏ nhất này của mình bề ngoài là người ôn nhu khiêm nhường nhưng trong xương cốt lại là kẻ lớn mật.
Chỉ là có tư tình với Đan Dương công chúa mà thôi…… Còn chưa đến mức dọa Lưu tướng công. Tuy rằng một vị quan bát phẩm tép riu nhỏ nhoi dám có tư tình với một vị công chúa từng hòa thân quả là chuyện khiến ai cũng phải giật mình. Nhưng Đan Dương công chúa cũng chẳng phải người nhát gan, nhút nhát gì.
Sau đại điển, hoàng đế để triều thần và sứ thần các nước thảo luận việc hòa thân của công chúa khiến trong triều chia làm hai phái. Một bên duy trì ủng hộ công chúa, cực lực cự tuyệt chuyện nàng ta đi hòa thân, và số lượng cũng không ít. Trong số những người này thì người chức cao nhất là Hộ Bộ thị lang.
Hộ Bộ thị lang là chính tứ phẩm quan viên, bên trên chỉ có tể tướng, thượng thư và ngự sử đại phu mới có thể chặn ông ta. Làm quan đến thị lang thì đa số thời điểm đã đủ sức đưa ra thay đổi nhiều chuyện trên triều. Mà có ông ta duy trì Mộ Vãn Diêu khiến những kẻ muốn nàng ta đi hòa thân gặp phải áp lực rất lớn.
Đã thế ngoại trừ Hộ Bộ thị lang, những quan viên khác ủng hộ nàng ta cũng không ít. Đây đều là do Mộ Vãn Diêu tích lũy được trong một năm nay tham gia chính vụ. Rốt cuộc nàng ta dựa vào Thái Tử, lại có Lý thị ở phía nam duy trì, muốn lung lạc lòng người thì sẽ có không ít kẻ nghe theo. Lưu tướng công xem thế là đủ, cũng vì vị công chúa này mà đau đầu.
Ngôn Thượng bị Lưu tướng công bắt xử lý công vụ nên qua hai ngày chàng mới có thời gian chạy tới Trung Thư Tỉnh tìm tài liệu trước đây và tìm Lưu tướng công thảo luận chuyện hòa thân của công chúa.
Lưu tướng công tiếp tục cùng học sinh của mình tản bộ dưới cây hòe bên ngoài viện và thảo luận việc này. Ngôn Thượng nói: “…… Chuyện năm đó con đã xem qua ghi chép và hiểu được đại khái. Bệ hạ và Lý gia mà người đứng đầu là hoàng hậu tranh giành quyền lực, Ô Man lại bức từ bên ngoài, tuyên bố muốn công chúa đi hòa thân mới chịu cùng Đại Ngụy kết đồng minh, ngừng chiến. Theo ghi lại thì toàn bộ vùng Kiếm Nam lúc đó bị Ô Man chiếm, sau khi triều đình đồng ý hòa thân thì bọn chúng mới rút khỏi Kiếm Nam. Muốn ổn định bên trong thì ắt phải ổn định bên ngoài trước. Bệ hạ và hoàng hậu đều yêu cầu ổn định chiến tranh để rảnh rang đấu tranh với nhau thế nên công chúa điện hạ chính là kẻ bị hy sinh.”
Lưu tướng công vuốt râu gật đầu. Những gì chàng nói chắc chắn sẽ không được ghi chép lại mà là do chàng suy luận ra chỉ thông qua những gì đọc được. Một người trẻ tuổi không hề tham gia chuyện năm đó, cũng không có bối cảnh lại có thể thông qua vài câu ghi chép lại mà suy luận ra chân tướng bên trong thì quả thực là lợi hại.
Ngôn Thượng thấy lão sư không phản đối thì trong lòng thở dài, mang theo rất nhiều mờ mịt.
Lại là đấu đá chính trị. Càng ở triều đình chìm nổi nhiều chàng càng thấy nhiều chân tướng tàn khốc…… chúng đều đi ngược lại nhân tính, tất cả đều là lợi ích cá nhân.
Chàng thấp giọng nói: “Việc đảng phái trên triều đình tranh đấu chẳng liên quan gì tới dân sinh cả. Ấy vậy mà mọi người vẫn tranh đến vỡ đầu chảy máu, quả thực buồn cười.”
Lưu tướng công liếc chàng một cái rồi nói: “Con có thể đổi góc nhìn vấn đề này.”
Ngôn Thượng chắp tay thỉnh giáo lão sư của mình.
Lưu tướng công chậm rãi nói: “Con có thể lý giải thế này: Trên triều có hai tiếng nói khác nhau, nếu vậy chính vụ sẽ khó có thể thực hiện xuống dưới. Chỉ có loại trừ kẻ khác biệt để triều đình có chung một tiếng nói thì mới có thể tập trung thúc đẩy cái gọi là dân sinh.”
Ngôn Thượng ngẩn ra, sau đó nói: “Tuy là như thế nhưng bệ hạ và hoàng hậu để công chúa đi làm quân cờ thí, đưa đi hòa thân, thì quả là mười phần, mười phần…… Máu lạnh.”
Lưu tướng công hỏi lại: “Thế không thì làm thế nào?”
Ngôn Thượng ngạc nhiên.
Lưu tướng công nói: “Con không trải qua thời kỳ Kim Lăng Lý thị trấn áp triều đình nên đương nhiên không biết những áp lực mà bệ hạ phải gánh lúc đó. Lúc ấy Lý thị cực kỳ lừng lẫy, trên triều tám phần là người của bọn họ, đến chuyện phế lập hoàng đế Lý gia cũng có thể làm chủ. Đây là tranh đấu giữa hoàng quyền và thế gia, quyền lợi của bệ hạ lúc nào cũng bị Lý gia và thế gia uy hiếp. Một hoàng đế bị đặt vào tình huống đó có ai có thể nhịn được? Huống chi vị hoàng đế này của chúng ta trước nay đều không phải người dễ bị bắt nạt.
Cưới nữ nhi của Lý thị làm hoàng hậu, mượn thế gia Trường An để chu toàn cân bằng với Lý thị, sau đó châm ngòi, chèn ép dần dần. Hoàng đế còn tổ chức khoa cử để con cháu nhà nghèo có thể vào triều làm quan, chấm dứt sự lũng đoạn của thế gia. Nhị hoàng tử chết cũng đồng thời chặt đứt con đường bước lên hoàng quyền của Lý thị. Đưa tiểu công chúa đi hòa thân khiến Lý thị không còn người nào trong hoàng thất để vin vào nữa. Sau đó ông ấy thu binh quyền, đoạt lấy quyền thống trị phương nam của Lý thị, không ngừng thay đổi tướng quân tiền phương…… Cuối cùng hoàng hậu qua đời.
Đó là cuộc đấu tranh dài 20 năm, cuối cùng mới bức được Lý thị về Kim Lăng. Hiện giờ Lý thị vẫn là thế gia đứng đầu phương nam như cũ nhưng vẫn cần nghỉ ngơi lấy lại sức, người cầm quyền trong nhà cũng bị biếm đến Lĩnh Nam. Tiền đồ của Lý gia bị chấm dứt…… coi như cảnh cáo thế gia trong thiên hạ. Hiện giờ đám thế gia an phận hơn năm đó nhiều, đây đều là công lao của bệ hạ.”
Lưu tướng công lại trào phúng bĩu môi với Ngôn Thượng nói: “Ngay cả con, nếu không phải bệ hạ cho con cháu nhà nghèo đi thi để tạo dựng thế lực đấu với thế gia thì con nghĩ mình có thể vào triều ư? Có phải con cảm thấy khoa cử như trò đùa không? Nó thực là phù phiếm vô dụng, không thích hợp với việc tuyển quan viên chân chính mà chỉ tuyển toàn đám văn nhân biết làm thơ phú đúng không? Nhưng đó cũng là do bệ hạ tranh đấu với đám thế gia mà giành lấy một con đường đó.”
Ngôn Thượng không nói gì.
Lưu tướng công lại như thở dài hỏi: “Con cho rằng bệ hạ sai rồi ư?”
Thật lâu sau Ngôn Thượng mới thấp giọng nói: “Con thương tiếc công chúa không dễ dàng nhưng nếu nhìn từ đại cục thì bệ hạ đã làm đúng. Thế gia đã lừng lẫy lâu lắm rồi…… Nếu không hạn chế mà cứ để mặc nó phát triển thì sợ là sẽ mang đến họa diệt quốc.”
Lưu tướng công im lặng một hồi lâu không nói gì. Vì ông ấy cũng xuất thân từ đại thế gia. Lúc lâu sau ông mới nói: “Thế gia tất sẽ bại, nếu không thì đây là cục diện chết.”
Ngôn Thượng nhìn lão sư của mình rồi thắc mắc: “Lão sư cũng xuất thân thế gia…… sao ngài không đứng về phía thế gia?”
Lưu tướng công khoanh tay đứng, ngửa đầu nhìn cây cao bên trên mà cười nhạo chàng: “Ngôn Tố Thần, con cho rằng mọi thế gia trên đời đều ngu xuẩn, không nhìn rõ cục diện ư? Chẳng lẽ mọi thế gia đều sẽ cướp đoạt của bá tánh, không biết thị phi ư? Con nghe cái gì gọi là danh sĩ chưa? Đã gặp thế gia thanh cao chân chính chưa? Hiểu biết của con với thế gia còn quá nông cạn.”
Lưu tướng công ngừng lại một hồi mới nói tiếp: “Nếu có thể thì con nên tiếp xúc nhiều hơn với Vi Cự Nguyên. Lạc Dương Vi thị trường tồn mấy trăm năm, tuy trong tộc chưa bao giờ có tể tướng nhưng vẫn thịnh mãi không suy. Trong mắt vi sư thì Lạc Dương Vi gia còn ghê gớm hơn cả Kim Lăng Lý thị.”
Ngôn Thượng thấp giọng nói: “Học sinh hổ thẹn.”
Lưu tướng công đạm mạc giải thích: “Bệ hạ muốn hoàn toàn giải quyết việc mà hai ba đời hoàng đế mới giải quyết được. Con và ta thử chờ xem…… Đám thế gia này vì bệnh tình của bệ hạ mấy năm nay, lại an phận đã lâu nên dần dần trở nên kiêu ngạo. Bệ hạ còn chưa kết thúc việc chèn ép bọn họ đâu. Con có thể nói bệ hạ vô tình, có thể nói làm đế vương cũng không nhất định một hai phải tuyệt tình…… Nhưng có đôi khi tuyệt tình mới là điều tốt nhất đối với thiên hạ.”
Ngôn Thượng nói: “Người làm quân vương, đầu tiên phải có nhân nghĩa……”
Lưu tướng công: “Ông ấy chỉ bất nhân với mình vị công chúa con để ý thôi.”
Ngôn Thượng đạm mạc nói: “Nhưng cũng đâu thấy thiên hạ nhiều nhân nghĩa, bá tánh an cư lạc nghiệp nhiều hơn đâu.”
Lưu tướng công buồn cười nhìn chàng nói: “Đây chẳng phải là việc mà thần tử như ta và con phải giúp bệ hạ phân ưu ư? Hiện giờ bệ hạ bệnh thành như vậy…… con lại muốn ông ấy dành hết sức để quản mọi thứ thì quả là hơi khó với một người bệnh.”
Cuối cùng Ngôn Thượng cũng không nhịn được cười khổ, thừa nhận lão sư nói đúng. Một thế hệ đế vương đều phải đoạn tình tuyệt ái để còn làm việc có lợi cho đại cục. Cho dù ông ta đối xử với con cái không tốt nhưng…… Rốt cuộc ông ta cũng không phải hôn quân. Ngược lại, hoàng đế là người nhìn rõ đại cục thiên hạ nhất.
Thiên hạ mơ màng, nhưng mà thiên tử không như thế.
Mà một thiên tử không mơ màng thì chính là kẻ tàn nhẫn.
Đây là một việc cực kỳ bất đắc dĩ.
Ngôn Thượng đành phải nói chuyện khác: “…… Nhưng hiện tại Lý thị đã bị chèn ép về Kim Lăng, mắt thấy trong ngắn hạn không thể tạo ra ảnh hưởng gì quá lớn thế mà chúng ta lại vẫn ước định với Ô Man. Con thấy tuy trong triều có nhiều người không hy vọng công chúa tái gả đến Ô Man nhưng nếu thật sự có chiến tranh thì tám phần bọn họ sẽ phản đối tham chiến. Điều này là vì sao? Là vì quân đội của Đại Ngụy không địch lại binh lực của một tiểu quốc như Ô Man sao?”
Lưu tướng công đáp: “Quả thực không địch lại.”
Ngôn Thượng kinh ngạc. Tuy mấy ngày nay chàng đọc tư liệu và ẩn ẩn cảm thấy binh lực của Đại Ngụy không tốt như chàng nghĩ nhưng nếu nói Đại Ngụy đánh không lại Ô Man thì cũng quá buồn cười.
Lưu tướng công liếc chàng một cái đã biết chàng đang nghĩ gì nên nói ngay: “Không phải đánh không lại, nếu dùng binh lực của cả nước thì một Ô Man nho nhỏ tính là gì? Nhưng nếu có thể không đánh thì sao phải đánh? Tố Thần, con phải biết rằng một khi bắt đầu chiến tranh thì triều đình sẽ phải chịu áp lực rất lớn. Huống chi chỉ cần chiến tranh bắt đầu thì người chịu khổ đều là bá tánh.”
Sau một hồi chiến tranh, bá tánh chết không ít, thế gia cũng thế…… Đại Ngụy lấy việc đồng áng làm trọng, không thể sống du mục như Ô Man. Bọn họ phải dựa vào chiến tranh để nuôi quốc gia, nhưng Đại Ngụy không cần thế. Ước định, kết đồng minh là lựa chọn tốt nhất.”
Ngôn Thượng lại nói: “Lão sư nói những điều này con đương nhiên hiểu. Nhưng nếu chúng ta đánh thắng được Ô Man thì mấy vấn đề này sẽ được giải quyết. Con chỉ kinh ngạc là tại sao chúng ta không đánh lại, hoặc đúng hơn là tại sao phải hy sinh quá lớn mới có thể đánh thắng như thế?”
Lưu tướng công quay đầu lại nhìn chàng cười nói: “Đáp án này con tự tìm lời giải rồi nói cho ta hay.”
Ngôn Thượng sửng sốt, sau đó chắp tay nhận khảo nghiệm của lão sư.
—
Mấy ngày tiếp theo Ngôn Thượng không ngừng tới Binh Bộ, Hồng Lư Tự và Trung Thư Tỉnh. Binh Bộ vốn là do Tần Vương quản, Tần Vương thấy người của Thái Tử liên tiếp đến chỗ mình tìm tư liệu thì trong lòng cũng cực kỳ cảnh giác, sợ Thái Tử đến Binh Bộ đào người. Hơn nữa Ngôn Thượng hỏi toàn những thứ liên quan đến binh lực của Ô Man khiến hắn càng thêm cảnh giác, không nhịn được nghĩ: Vì sao lại hỏi về việc đánh Ô Man? Chẳng lẽ Thái Tử muốn khai chiến? Thái Tử điên rồi, vì một Mộ Vãn Diêu mà muốn khai chiến ư?
Ngay cả Thái Tử cũng nghi hoặc mà tìm Ngôn Thượng hỏi thì chàng chỉ nói lão sư khảo nghiệm khiến Thái Tử bán tín bán nghi. Hắn đương nhiên không muốn Mộ Vãn Diêu đi hòa thân bởi vì nàng mà đi thì hắn sẽ mất sự hỗ trợ của Kim Lăng Lý gia…… Nhưng nếu bảo đánh giặc thì Thái Tử cũng không muốn.
Ngôn Thượng lại ước gì thế cục loạn hơn một chút, Thái Tử và Tần Vương nghi kỵ lẫn nhau, lại có sứ thần các nước theo đuổi Mộ Vãn Diêu…… Thế cục loạn như thế thì việc hòa thân nhất thời sẽ không thực hiện được, chàng cũng sẽ có thêm thời gian.
Bản thân chàng cũng không ngừng đến Trung Thư Tỉnh để trả lời câu hỏi của lão sư.
Ngày thứ nhất chàng nói: “Đại Ngụy binh lực yếu nhược là bởi vì thế gia và hoàng quyền tranh nhau, hai bên luôn nghi kỵ dẫn đến sửa lại chế độ cho biên quân, không ngừng đổi mới tướng tá khiến tướng quân và binh lính không quen thuộc, không hợp tác. Nói tới đánh giặc thì đương nhiên chúng ta sẽ phải dùng người tốt nhất. Nhưng nếu dùng người khác chứ không phải tướng tài do thế gia đào tạo ra thì lại phát hiện năng lực của bọn họ không đủ. Bệ hạ cũng không thể để tướng của thế gia nắm quyền, cho nên hai bên cứ thế giằng co, chờ có tướng tài mới lên đài.
Nhưng biên quân điều động thường xuyên như thế thì sao bồi dưỡng được tướng tài? Mà nếu không điều động thường xuyên thì tướng tài cát cứ một phương gây loạn. Những nguyên nhân này khiến binh lực của Đại Ngụy không bằng Ô Man.”
Lưu tướng công chỉ hỏi: “Còn gì nữa?”
Ngôn Thượng