Giật mình giữa đêm khuya, căn phòng tối om, đèn trên bàn đã tắt. Tôi không buồn dậy để thắp lại đèn. Không phải vì sợ bóng tối, không phải vì sợ đêm tịch mịch, tôi lấy sự lười biếng để biện hộ cho bản thân, không có lý do gì để thắp sáng gian phòng vốn đã lạnh lẽo từ lâu. Cô đơn, hiu quạnh là những gì trong tôi bây giờ. Cố nhắm mắt để chìm vào giấc ngủ, nhưng lại mơ hồ nhớ đến Mai Hạ Du, nụ cười của huynh cứ hiện lên trong đầu, quanh mũi còn ngửi thấy hương hoa mai thoang thoảng. Nằm độ khoảng nửa canh giờ, tiếng chim ăn đêm giật mình đập cánh vì một hồi sáo văng vẳng xa, hình như từ phía rừng mai đưa lại. Âm thanh trầm bổng, ngân vang sâu lắng. Bất giác tôi bị thôi miên bởi giai điệu đượm một nét buồn mộc mạc của tiếng sáo kia. Vội vã tốc chăn, đi giày, khoác thêm áo choàng, tôi chạy ra khỏi phòng, lần theo tiếng sáo đi đến vườn mai.
Dưới cái mát dịu của đêm, bên gốc mai già, một bóng người ngồi đó, sáo trên tay vừa hạ xuống. Tôi nhận là ngay là huynh, Mai Hạ Du. Huynh luôn như vậy, một thân áo trắng cô độc, lúc nào cũng muốn một mình ôm nỗi niềm tâm sự, chuyện gì cũng một mình tự tìm cách. Tôi nhè nhẹ bước đến bên huynh, ngồi xuống, huynh vẫn không nói nhưng tôi biết huynh đã phát hiện ra tôi lúc tiếng sáo vừa dứt khi nãy. Tôi lên tiếng đánh gãy không khí mất tự nhiên giữa tôi và huynh:
- Ca ca, khuya rồi sao huynh lại ra đây? Trời lạnh, huynh mau về phòng đi, kẻo nhiễm phong hàn thì làm sao, ai quản việc Mai Gia Ký?
Mai Hạ Du đưa mắt xa xăm nhìn ra mặt hồ phẳng lặng mịt mùng ngoài kia không đáp lời tôi. Tôi thu người lại, khoanh tay, tựa đầu lên, nhìn huynh, dùng âm thanh ngọt ngào nhất nói với huynh:
- Hay là ca ca có tâm sự? Huynh nói ra đi, biết đâu gánh nặng trong lòng sẽ vơi bớt.
Huynh không đáp, im lặng vây kín đến mức có thể nuốt hết vạn vật xung quanh, chẳng thể phân biệt được thời không nữa. Tôi nín thở cho đến khi tiếng xào xạc trên cao của một loài động vật nhỏ nào đó tìm ăn trong đêm phá vỡ không gian yên ắng bất diệc này thì tôi mới dám thở nhè nhẹ rồi cười. Bỗng, huynh cất lời:
- Huynh không sao, vì cảnh đêm nay đẹp, đem sáo ra dây trỗi một khúc nhạc đã lâu không động đến.
Tôi khẽ khàng sít đến sát bên huynh, thủ thỉ:
- Vậy khúc nhạc vừa rồi có tên là gì?
- Nó không có tên, là một đoạn huynh tự mình cảm âm lúc còn ở Hoằng Thôn nơi quê nhà của huynh trước đây, cũng vào một đêm hè. – Huynh thở dài đánh tiếng rồi tiếp. – Định mượn tiếng sáo để vơi nỗi nhớ quê, không nhờ càng thổi lại càng da diết nhớ.
Là “Hoằng Thôn” ư? Lúc trước, còn ở hiện đại, Phương Bằng từng nói quê nhà anh ở Hoành Thôn. Hoành Thôn đó cũng là Hoằng Thôn này, rốt cục không hề giống. Hai cái tên cùng một nơi, cách nhau bởi tương lai và quá khứ. Nhưng “Hoằng Thôn” bật ra khỏi môi huynh như chất chứa muôn vàn kỷ niệm và cả đau thương dằn vặt. Tôi chăm chú nhìn huynh, hỏi nhỏ:
- Ca ca, cho phép muội đặt tên có được không?
- Huynh chỉ đợi muội nghĩ giúp.
- Ca ca thật tốt! Mùa hè, một khúc nhạc trong đêm, nơi Hoằng Thôn hồi ức... Tạm gọi là “Hạ dạ khúc” đi!
- “Hạ dạ khúc!” - Mai Hạ Du gật gù trong khi sáo nhịp nhịp trong lòng bàn tay với dáng vẻ hào hứng.
- Muội rất thích nó, không hiểu tại sao khi nghe xong, muội lại có những cảm xúc rất lạ, tựa đã quen tự bao giờ, như gọi về những ký ức xa xôi đã lãng quên theo năm tháng. Quê nhà mà nói trong nhân sinh mỗi người có một, nhưng đối với muội, chỉ cần nơi đó có người mình trân trọng thì cũng được gọi là quê nhà. Nếu như huynh nhớ Thôn Hoằng, hãy tạm xem Lâm An là quê, hãy tạm xem muội là người nhà của huynh có được không, ca ca?
Mai Hạ Du ngưng gõ đầu cây sáo, nhìn tôi chăm chăm. Tôi nhận ra được sự khác thường ở huynh, liền gọi khẽ:
- Ca ca, sao lại nhìn muội? Muội lỡ lời à?
Mai Hạ Du không đợi tôi nói hết, liền choàng tay qua, kéo tôi ôm vào lòng. Vì quá bất ngờ nên tôi không kịp làm gì khác hơn là ngồi im không dám rục rịch. Hai tai tôi ù ù cho đến khi huynh lên tiếng:
- Đang nghĩ gì?
- Muội... À, không... muội...
Tôi căng thẳng đến độ răng sắp cắn phải lưỡi, vì vậy âm thanh phát ra toàn những lời ấp úng. Huynh