Vệt nắng chạy dài trên khắp khu đất hoang, tô vàng những đoá bồ công anh bé nhỏ. Gió rung rinh làm những cánh hoa mỏng manh chao đảo bay lên không trung, đôi chút bay lướt qua mặt tôi một cảm giác nhồn nhột.
Dương Hiểu Khiết xếp dần những bản vẽ ra một cách cẩn trọng, đôi mắt bí hiểm nheo nheo.
Khu C - hoang tàn và nguy hiểm.
Khu C - mang những tin đồn bí ẩn và rùng rợn.
Khu C - được nhà trường bảo vệ khắt khe và ban những lệnh cấm kì quặc.
Khu C - có đi không có về.
Khu C... từng có người chết!
Khu C - tốt nhất đừng nên chạm chân tới!
Tôi nuốt nước bọt cái ực. Trong đầu lởn vởn điệp khúc "Khu C" mà dân tình đồn đại. Đến đó tương đương là chui đầu vào chỗ chết. Khiết, cậu ấy giấu bản vẽ kiến trúc khu C để làm gì?
Tôi chống cằm, nhớ lan man. Nhớ rồi! Chuyện của nửa năm trước!
Khiết khều vai tôi, hỏi:
- Nhớ ra gì chưa?
Tôi thiểu não, gật nhẹ đầu.
- Nhớ.
Chuyện của nửa năm trước, khi Khiết và tôi được giao quản lí Hội mỹ thuật. Lúc đó chân ướt chân ráo bước vào trường, còn nai lắm. Lúc đó thường nghe mấy anh chị lớp trên dặn dò và kể những tin đồn về khu C - khu-vực-tuyệt-đối-không-được-đặt-chân-tới ở An Đằng. Đó là một nỗi tò mò rất lớn đối với những học sinh mới vào trường. Nhưng mà cũng chẳng có ai đủ gan để khám phá sự thật ở khu C, vì nếu bị phát hiện thì chỉ có đường bị đuổi khỏi trường thôi. Bản vẽ tổng hợp toàn bộ kiến trúc khu C là dự án của Hội mỹ thuật từ trước, lúc mà Khiết chưa lên quản lý. Đây là bản vẽ của các anh chị lớn đã lên đại học. Ban đầu, dự án muốn hoạ lại tổng thể khu trường An Đằng - ngôi trường lớn nhất của thành phố với kiến trúc và trang thiết bị vô cùng hiện đại. Dự án bắt đầu từ khu C - khu tích hợp đa năng với cơ sở vật chất khang trang nhất.
Theo bản vẽ, đó là khu thực hành đa chức năng. Nổi tiếng nhất là phòng thực hành hoá - sinh với sự đầu tư kĩ lưỡng về thiết bị giảng dạy, đầy đủ rất nhiều chất hoá học chuyên dụng. Khu lớp này có cả một tầng hầm để dạy thể dục, hồ bơi, sân thi đấu thể thao ngầm dưới lòng đất. Khu C từng là niềm tự hào của An Đằng, nếu như... không có thảm hoạ đó xảy ra...
Sau khi "sự cố bê bối" ở khu C chấn động cả thành phố vào 5 năm trước, tức là lúc tôi chưa vào trường, khu đa chức năng khang trang ấy đã chính thức bị nhà trường phong toả, cấm tiệt mọi người đặt chân tới. Vì vậy, tuy bản vẽ khu C đã được hoàn tất 5 năm, nhưng ngoài thầy Hiệu trường - người xét duyệt dự án, những thành viên tham gia dự án và Hội trưởng Hội mỹ thuật lúc bấy giờ biết đến, ngoài ra thì hình như không một ai biết đến bộ bản vẽ hoàn thiện này.
Các Hội trưởng từng thời chuyền tay nhau cất giấu nó với cam đoan với thầy Hiệu trưởng là tuyệt đối không để ai biết đến bộ bản vẽ đó.
Năm trước, người kế nhiệm chiếc ghế Hội trưởng Hội mỹ thuật, tức Dương Hiểu Khiết đã được giao lại nó từ tay Hội trưởng vừa mãn nhiệm. Lúc đó, tôi là Hội phó mới lên nên cũng được tham gia lần họp ấy. Tôi và Khiết đã cam đoan với chị Sơn Ca (Hội trưởng cũ) sẽ bảo quản bộ bản vẽ này thật cẩn mật. Nhưng vài ngày sau đó, thầy Hiệu trưởng đã ra yêu cầu kì lạ với hai đứa tôi: Hãy tiêu huỷ bộ "Bản vẽ chi tiết khu C".
Từ phòng Hiệu trưởng trở về, Khiết và tôi đã định đem bản vẽ ra đốt đi theo lời thầy, nếu như... "con rùa ngố" Dương Hiểu Khiết không nảy ra cái ý tưởng cổ quái là giữ lại bản vẽ này.
Hơn 7 giờ sáng, nắng tốt, mây trắng ú mềm phiêu dạt khắp vòm trời bát ngát. Sân sau của trường, hai học sinh ăn gan trời lén lút ôm tập bản vẽ chưa tiêu huỷ, giấu suốt nửa năm ra, xì xầm.
Khiết lay vai tôi:
- Hey, sâu lười, làm gì mà đơ ra vậy?
Tôi đáp:
- "Đang thẫn thờ, ngơ ngẩn, chầm chậm phiêu dạt về một miền ký ức xa xôi..."
- Trời! - Khiết cuộn bản vẽ lại, ngó tôi trân trân. - Tiểu Anh nhà mình tính "di cư" qua lớp chuyên Văn à?
Tôi nhăn mặt, giựt lấy bản vẽ từ tay Khiết, hỏi:
- Giờ tụi mình đem đi đốt hả?
Con rùa kính cận ấy nghiến răng, gõ đầu tôi cái cốc:
- Ngốc ơi là ngốc! Giấu suốt nửa năm cho đã rồi đem đi đốt hả? Rảnh vừa phải thôi!
Tôi dẩu môi, xoa cái trán khốn khổ của mình.
- Chứ giờ cậu moi nó lên làm gì? Thầy mà biết là cạo đầu khô cả hai đứa đó!
Khiết thè lưỡi, hất mặt:
- Xuỳ! Tớ cóc sợ! - Rồi lấy bản vẽ, mở ra tấm số 5 - phòng thực hành hoá-sinh. - Hạ Anh, tớ trằn trọc mãi, giờ mới phát hiện điều này.
- Điều gì?
Khiết trải phẳng bức hoạ trắng đen về phòng thực hành hoá - sinh, nơi bắt đầu của những thảm hoạ cho khu C, lý do khiến khu vực này bị phong toả suốt 5 năm nay.
- Châu Hạ Anh, nhìn xem!
Theo hướng tay của Khiết, tôi quan sát bức vẽ, màu giấy ngả vàng, lem nhem, nét vẽ sắc, trau chuốt. Đây là bức vẽ do chính chị Uyển Đình - Hội trưởng Hội mỹ thuật vào 5 năm trước đã vẽ nên. Sau tai nạn ở khu C, chị đã từ chức, giao bản vẽ lại cho Hội phó giữ. Niên khoá tiếp sau, bản vẽ giao lại cho Hội trưởng đời sau, lần lượt là anh An Tử Khiêm, chị Sơn Ca, rồi Hiểu Khiết. Điều đáng nói, chủ nhân bức vẽ này đã tự sát tại khu C, do treo cổ sau khi sự cố "phòng thực hành thí nghiệm hoá - sinh" xảy ra được một năm.
Lần đó, nhà trường đã cho người lần đầu tiên mở cổng khu C để tiến hành điều tra, khi phát hiện ra chị Lý Uyển Đình đã chết hơn một tuần. Những người vào điều tra phải mặc quần áo bảo hộ an toàn để tránh ảnh hưởng độc hại của hoá chất đã lan toả khắp cả khu C. Từ đó trở đi, khu C luôn bị đồn là có ma. Hồn ma của chị Uyển Đình luôn lởn vởn ở đó, những học sinh đột nhập vào đó thì không hồn bay phách lạc trở ra cũng mất tích không rõ lý do. Thật đáng sợ.
Như Hiểu Khiết, tôi đã phát hiện được vấn đề.
- Tỉ lệ giữa cửa ra vào không cân xứng với diện tích phòng.
Khiết búng tay:
- Chính xác! Tớ nghĩ mãi mới để ý đến điều này. Giờ moi nó lên coi lại, đúng y boong!
Tôi nghiêng đầu:
- Do vẽ sai tỉ lệ?
- Không! Xem đây. - Khiết lật bản vẽ số 8 - phòng thực hành tin học. - Cùng một tác giả vẽ nên, tớ cảm thấy "chị ý" quan sát rất cẩn thận tỉ lệ của quang cảnh. Tớ chắc rằng đây không phải vẽ sai mà là có thể thiết kế thật đã bị lỗi ngay từ đầu.
- Vậy tức là...
Hiểu Khiết gật đầu:
- Đúng! Với diện tích phòng có khả năng chứa tới 100 học sinh thế này mà chỉ bố trí một cửa ra vào với khoảng cách chật hẹp như thế thì khi có sự cố sẽ không tài nào thoát ra kịp.
Yes! Hiểu rồi! Ra là chính kiến trúc sư đã tính toán nhầm lẫn khiến căn phòng ấy chỉ có một cửa ra vào, thậm chí nó quá hẹp để 100 người thoát khỏi căn phòng khi vụ tai nạn xảy ra.
Tôi tặc lưỡi:
- Eo ơi! Một lít Brom và năm năm phong toả, cái giá quá đắt!
Khiết tiếp theo:
- Đâu chỉ là một lọ Brom. Khi lọ Brom vỡ xuống sàn, học sinh hoảng loạn xô đẩy nhau chạy ra khỏi phòng. Vì cửa quá hẹp nên họ xô ngã mọi vật ngáng đường để thoát thân, và cả kệ đựng các chất kịch độc nữa. Hình như là đi tong cả chai Clo, một số axit mạnh,... không hiểu sao mà để chúng đổ hết ra được nữa. Nói chung là tan hoang tất cả!
Tôi nuốt khan, ngắm bản vẽ, tiếc rẻ:
- Tội nghiệp "chị ý" quá à!
- Brom độc như thế mà để bắn vào mặt cô hoa khôi, còn gì mặt con gái người ta! Tớ nghĩ vì chuyện này mà "chị ý" mới...
Tôi xua xua tay:
- Thôi đủ rồi nha! Trước mặt là khu C đó ông! Tớ sợ lắm!
Hiểu Khiếp bật cười hô hố:
- Hạ Anh nhát gan quá vậy hả? Tớ còn định rủ cậu... Đột nhập khu C.
Tôi trợn mắt, lắp bắp:
- Đ...ộ...t n...h...ậ...p? Cái gì chứ?
- Tớ muốn biết những học sinh vào đó rồi không trở ra là lý do gì.
Tôi sờ trán Khiết, nhíu mày:
- Khiết ơi Khiết! Cậu bị ấm đầu hả?
Tên con trai trước mặt tôi bình thản hếch mũi:
- Không sao đâu mà! - Kề gần mặt tôi. - Đi hôn?
- Không! - Tôi nói như tạt nguyên gáo nước lạnh vào mặt cậu bạn.
Khiết mè nheo:
- Đi mà Hạ Anh! Đi với tớ đi mà! Đi một mình...cũng hơi ớn!
Tôi gắt:
- Vào đó bắt ma à?
- Không! Vào để tìm.
- Tìm gì chứ? Kho báu hả? - Tôi chớp chớp mắt.
Khiết thở dài, gặp đứa bạn mê tiền mê bạc như tôi chắc cậu cũng chịu đựng dữ lắm!
- Coi như là có kho báu đi. Giờ đi hôn?
Tôi gật đầu, cười cười, phán:
- TỚ-SẼ... KHÔNG BAO GIỜ TỚI CHỖ QUÁI QUỶ ĐÓ!
- Đi mà Tiểu Anh!
- Không!
- Đi đi! Năn nỉ đó!
- Chết cũng không đi!
Khiết dẩu môi, bực bội, vùng vằng xếp bản vẽ vào ống đen, hất hàm nhìn tôi.
- Đáng ghét! Cậu nhớ mặt cậu đấy Châu Hạ Anh! Tớ giận cậu luôn!
Thế rồi tên con trai đó cặp ống tài liệu vào nách, giận dỗi bỏ đi về lớp với vẻ ức chế vô cùng trẻ con.
Tôi không thèm cản, cứ để con rùa đó đi cho rảnh việc. Rảnh rỗi sinh nông nổi à? Tôi còn yêu đời lắm Khiết ơi!
Giờ một mình giữa cánh đồng hoa, gió luồn qua gáy lạnh cả sống lưng. Phía xa, khu C lấp ló sau mấy rặng lau sậy cao cao. Gió hiu hiu làm đám cỏ cây rung rung nhè nhẹ. Tôi co người, rúm ró:
- Tía má ơi! Sao mà thấy lạnh sống lưng vầy nè? Dương Hiểu Khiết chết tiệt, cậu lôi tôi ra đây cho đã rồi bỏ tôi một mình ư? Đáng chết thật! Ghê quá à!
Không dám nán lại lâu, tôi xoa làn da sởn ốc của mình, nuốt nước bọt, chạy bán sống bán chết về lớp.
Ta thề có chết cũng không tới khu C đâu!
Sân thượng khu A giờ nghỉ trưa.
Cô gái xinh đẹp ngồi trên xích đu màu trắng, chiếc váy đồng phục khoe đôi chân nõn nà. Cô gái ấy có mái tóc nâu dẻ cột xéo một bên đang đung đưa xích đu với vẻ suy tư một mình.
Có tiếng đế giày gõ xuống nền gạch men nhám, phá hỏng không gian tĩnh lặng của cô gái tóc nâu. Có người đến gần, cất tiếng chào:
- Chị Nghi.
Lý Uyển Nghi ngẩng cao đầu, dò xét tiếng nói phát ra. Trước mặt, Ngô Song Kỳ tựa lưng trên thanh sắt của xích đu, mỉm cười.
Nghi cất tiếng nhàn nhạt, bộ điệu dửng dưng nhưng mang nét lãnh đạo thiên bẩm.
- Việc gì?
Cô lớp trưởng 11B húng hắng giọng, nũng nịu mách lẻo:
- Chị ạ, Châu Hạ Anh và con nhỏ Ban Mai cứ chống đối chúng ta hoài à. Hồi sáng Hạ Anh còn...
- Chị biết rồi! - Uyển Nghi ngắt ngang, thản nhiên vô cùng.
Song Kỳ cau mày, nói:
- Chị! Biết vậy rồi sao mà lại không xử hai đứa đó?
Lý Uyển Nghi bật cười, giơ đôi bàn tay chăm sóc kĩ lưỡng với bộ móng màu đen mới sơn ra, tăm tia. Cô trả lời:
- Uầy, làm gì mà gấp? Chơi với chúng từ từ mới vui chứ.
Kỳ vuốt tóc, nhếch mày:
- Ban Mai muốn đưa con bé "thủ khoa quê mùa" ấy đi thi hoa khôi thay nó!
Một nét biến động rất khẽ trên gương mặt của cô Hội trưởng Hội học sinh. Nắng nhạt táp trên hàng mi cong, rậm đen. Gió từ dãy lớp cao nhất của An Đằng thổi dìu dịu, làm mái tóc nâu của cô bay rối tung. Uyển Nghi mím môi, đứng dậy, choàng tay qua vai Song Kỳ, thì thào:
- Em... đang tự ti với nhan sắc của mình?
Cô gái cạnh bên day môi, ấp úng.
Nghi nói tiếp:
- Hay là... em sợ Châu Hạ Anh?
Ngô Song Kỳ trợn mắt, lắc đầu nguầy nguậy:
- Không! Việc gì em lại sợ nó?
- Tốt! - Nghi nhoẻn môi. - Vậy thì cứ yên tâm. Người đại diện An Đằng tham dự cuộc thi phải dựa trên lượt vote của tất cả học sinh trong trường. Em nên nhớ, cuộc thi này ảnh hưởng đến tiếng tăm của trường chúng ta. Trường An Đằng chúng ta nổi tiếng đăng quang hoa khôi nhiều lần nhất, bởi vậy không thể nào "chơi bẩn" để giành vé tham dự. Nếu có Thái Ngọc Ban Mai thì trường ta đã nắm chắc phần thắng, tiếc là... Haizz, hi vọng còn lại chỉ còn có 3 người là em, Hạ Anh và Quỳnh Lam. Nếu ai nhận nhiều vote nhất sẽ là người được tham gia cuộc thi.
Song Kỳ thở dài, tiếc:
- Giá như năm trước chị đừng thi Hoa khôi thì năm nay chả đứa nào dám giành vé đi với chị rồi!
Uyển Nghi bật cười thành tiếng:
- Hơ, năm trước chị không thi thì năm nay chị đâu được trao lại vương miện Hoa khôi cho đàn em. Hi vọng chiếc vương miện của chị sẽ được trao cho một học sinh của An Đằng.
- Vậy giờ mình có nên cảnh cáo hai con ranh ấy đến gần "Hoàng tử" nữa không?
Cánh môi mọng hồng của cô Hội trưởng cong lên rất nhẹ.
- Từ từ. Chị có trò chơi khác vui hơn cả thế! Đừng bao giờ đụng vào Hiểu Khiết... của chị. Cái giá phải trả... đắt lắm!
Bàn tay Song Kỳ lại một lần nữa bấu chặt lại, móng tay ghim vào da đau điếng. Rõ ràng là cô cũng thích Hiểu Khiết, vậy mà trước mặt Uyển Nghi cô chỉ bất lực xem chị ấy chiếm đoạt lấy cậu "Hoàng tử mặt trời" trong mơ của biết bao nữ sinh. Kỳ im lặng, không nói. Cái nỗi bứt rứt khó chịu ấy cứ len lén trào trong lòng.
"Lý Uyển Nghi, chị thật đáng ghét!"
*
* *
Chiều. Nắng đậm. Sắc cam nóng chảy rót trên những mái nhà, rớt trên những tán lá xanh um. Ánh dương chạy nhanh về hướng Tây, trở thành một cái lòng đỏ trứng cam vàng quyến rũ. Gió xé nát những áng mây, rắc đều trên nền trời đang lem nhem sắc cam đỏ hoàng hôn. Một đợt gió âm binh táp qua người tôi làm mái tóc trở nên hỗn độn, vạt váy đồng phục lất phất bay. Đưa tay dằn lại mái tóc ngay ngắn trước cơn gió chướng, tôi chỉnh lại dây đeo của ba lô, nó hơi lỏng ra, không ôm sát vào vai lắm.
Những đợt học sinh ồ ạt tràn ra từ các lớp học như ổ mối bị động, lộn xộn và bon chen. Âm thanh tĩnh lặng biến mất ngay ra sau tiếng chuông hiệu vừa dứt, trở thành một bản tạp âm đủ các cung bậc.
Học sinh đàn đúm thành từng nhóm, mặt tươi như hoa. Một số nam sinh vội tháo ngay carvat và kéo vạt áo ra ngoài cho thoải mái. Sân trường An Đằng chật nít học sinh, tất cả đều đổ dồn về hướng cổng ra vào to lớn. Xe đạp chen người đi bộ nhích ra khỏi cổng, tiếng chuông xe bấm liên tục hoà vào âm thanh tạp nham của giờ tan trường tạo thêm một âm điệu mới phá hoại nét yên tĩnh của khoảng sân rộng.
Tôi đi theo nhóm học sinh 11B, len lỏi theo nhóm bạn ra về. Ban Mai chẳng thấy tung tích đâu. Bụng đói, cả người mỏi mệt. Giờ tôi thèm lăn ra giường ngủ một giấc cho khoẻ người. Mau về nhà thôi, không biết Saitoh Ken sẽ nấu gì cho buổi chiều nay nữa.
Lủi thủi đi, đầu cúi nhìn mũi giày, tôi cứ đi như một rô bô được lập trình đến khi phải đứng khựng lại bởi một đôi chân khác đang đứng chặn trước chân mình.
Tôi nhìn từ dưới lên. Đụng độ đôi giày Nike trắng, quần thun màu cam ngang gối. Áo ba lỗ cùng mà in số 13 quen thuộc bao lấy làn da nâu đồng rắn rỏi. Cơ bắp cuồn cuồn và thân hình cao lớn mà tôi chỉ nhìn ngang được tới ngực. Dáng hình này sao quen quá vậy ta?
Tôi ngậm ngùi, lòng canh cánh, thấp thỏm ngẩng mặt. Trước mắt, đập vào võng mạc tôi là khuôn mặt thân quen của... An Tử Đằng - kẻ vừa bị tôi và Ban Mai hạ knock out từ hôm qua. Hắn đến tìm tôi trả thù có phải không?
- Bấy bì, em đi đâu mà vội thế? - Khuôn mặt nham nhở của cậu "hot dog" An Tử Đằng kề sát vào mặt tôi, nồng mùi mồ hôi nặng,